MỤC LỤC
Vừa qua UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Mục tiêu phát triển huyện Củ Chi và Hóc Môn trở thành khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.
Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi được tổ chức với mục tiêu quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực… của hai huyện, góp phần xây dựng khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định, với phương châm mến khách, tôn trọng và thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch…
Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. TPHCM cam kết nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực phục vụ, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo một chuyển biến mới nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM.
Trở thành cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TP. HCM
Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là 2 huyện ngoại thành TP. HCM có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc – Tây Bắc; là cửa ngõ kết nối Thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.

Về phân vùng phát triển TP, Quyết định 24 cũng xác định khu đô thị Tây Bắc – nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn – được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc TPHCM. Qua đó, địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi có những đặc điểm thuận lợi quan trọng như sau:
- Về trục phát triển nằm trên trục đường Bắc Nam kéo dài từ Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám, tiếp giáp với khu vực đô thị hoá mạnh mẽ lan tỏa từ nội thành hiện hữu.
- Tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh.
- Có một khu vực rộng lớn dọc theo hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng,…
- Từ cửa ngõ Hóc Môn ở các hướng theo các tuyến khác nhau về sân bay Tân Sơn Nhất đều ở cự ly khoảng 15km.
Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cũng nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu một trong những hướng phát triển chủ đạo của TP về hướng Bắc – Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài… còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc Thành phố.
Kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cho giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách TP 218.239 tỷ đồng và vốn khác (TW, ODA, PPP…) là 315.290 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 qua giai đoạn 2021-2025, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021-2025.

Mặt khác, nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Thành phố đang khá khó khăn. Do đó việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
Sở Giao thông vận tải cũng đã rà soát, lập Danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 và đề xuất UBND TP các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2030, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như: Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…
>>> Xem thêm: Vinhomes Hóc Môn – Khu đô thị đại học quốc tế TP Tây Bắc