MỤC LỤC
Ngày 29 – 3, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc trung ương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông, Trường Sa thành một trung tâm phát triển trên biển.
Đẩy mạnh quy hoạch xây dựng cửa ngõ chính ra Biển Đông tỉnh Khánh Hoà
Theo quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa được phát triển trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030, quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người. Trở thành trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Về định hướng phát triển, Khánh Hòa sẽ khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá các vùng trọng điểm gồm khu vực vịnh Vân Phong, TP Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Mục tiêu đến năm 2023, xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương song song là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trong đó, khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Thủ tướng cũng đã giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức công bố quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.
Các vùng động lực phát triển theo quy hoạch tỉnh Khánh Hoà
Theo quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức các vùng động lực phát triển về kinh tế, xã hội bao gồm:
Khu vực vịnh Vân Phong – trung tâm kinh tế biển hiện đại
Phát triển khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong phát triển trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện.
Còn khu vực Nam Vân Phong phát triển thành trung tâm công nghiệp gắn liền với cảng biển, là khu tập trung phát triển các khu công nghiệp, chế biến dầu khí, đóng tàu, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công việc phụ trợ,…cùng các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.

Thành phố Nha Trang – vùng trọng điểm, cửa ngõ hội nhập quốc tế
Phát triển thành phố Nha Trang thành vùng trọng điểm về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố này cũng sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng và là cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.
Khu vực vịnh Cam Ranh – đô thị du lịch – logistics
Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, xây dựng thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics. Còn huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Các huyện từ miền núi đến hải đảo đều thành đô thị
Đến năm 2023, cũng theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả các huyện của tỉnh, từ miền núi đến hải đảo đều sẽ trở thành đô thị từ loại V trở lên. Khi đó, Khánh Hòa sẽ có hai đô thị loại I là TP. Nha Trang và đô thị Cam Lâm. TP. Cam Ranh và Thị xã Ninh Hòa sẽ là đô thị loại 2. Riêng 2 huyện Diên Khánh, Vạn Ninh sẽ trở thành đô thị loại IV. Còn các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và huyện đảo Trường Sa đều trở thành đô thị loại V.
>>> Xem thêm: Tỉnh Khánh Hòa quy hoạch đô thị mới Cam Lâm xứng tầm quốc tế