Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí địa lý đặc biệt – là cửa ngõ giữa 2 vùng: vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, giáp ranh với Vương quốc Campuchia và TP. Hồ Chí Minh – hưởng được sự lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị của TP. Hồ Chí Minh.
Trong thời gian qua, bằng việc tận dụng lợi thế cùng sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của toàn tỉnh đã giúp Long An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2011-2022 đạt 9,1%; quy mô kinh tế năm 2020 đạt hơn 130.000 tỷ đồng, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 13% trên tổng quy mô của Vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp.

Tuy nhiên, tỉnh Long An vẫn còn gặp một số điểm nghẽn cản trở Tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, kinh tế tăng chưa thực sự bền vững; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; số dự án đã tiếp nhận chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ trung bình là phổ biến; các khu đô thị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; hoạt động du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển,…
Nhận thức được những tồn tại, hạn chế trên, tỉnh Long An xác định nhiều giải pháp khắc phục, trong đó giải pháp đầu tiên là khẩn trương lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thật chất lượng, làm định hướng phát triển của Tỉnh trong 10 năm, tầm nhìn 30 năm tới.
Theo đó, Dự thảo Quy hoạch đưa ra 3 kịch bản như sau:
- Kịch bản cơ sở: Duy trì chiến lược hiện tại của Long An, không có sự thay đổi lớn ngoài các dự án lớn đã được phê duyệt.
- Kịch bản Tăng trưởng bền vững: Thực hiện 19/25 ý tưởng đột phá cho tầm nhìn và chiến lược năm 2050, trọng tâm là các ngành chế biến chế tạo, nông nghiệp, năng lượng.
- Kịch bản Tăng trưởng quyết liệt: Thực hiện một cách quyết liệt toàn bộ 25 ý tưởng đột phá và đi tiên phong trong sản xuất hydro, xây dựng cảng Long An là trung tâm xuất khẩu nông nghiệp nòng cốt.
Kịch bản lựa chọn dựa trên kịch bản cơ sở giai đoạn 2021-2025 và tăng trưởng bền vững giai đoạn 2026-2050: Theo giá so sánh, GRDP đạt 8 tỷ USD năm 2030 (tăng trưởng hơn 9%/năm) và 42 tỷ USD năm 2050 (tăng trưởng hơn 8,5%/năm).

Quy hoạch nêu rõ, cấu trúc không gian tỉnh Long An được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và điều kiện phát triển của địa phương, được xác định bao gồm: 2 hành lang – 1 trung tâm – 1 vùng – 6 trục động lực, phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế – văn hóa – chính trị, tạo dựng các trung tâm, hình thành các vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An.
(1) Hai hành lang kinh tế chính liên kết với TP. Hồ Chí Minh gồm:
- Hành lang đường Vành đai 3-4: Bám dọc theo các trục đường vành đai 3 và vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh.
- Hành lang phát triển phía Nam: TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang: Bám dọc theo trục động lực liên tỉnh bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh đi qua Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (Quốc lộ 50B).
(2) Một trung tâm:
Thành phố Tân An trở thành trung tâm hành chính và công nghệ cao, kết nối các hành lang và trục động lực dọc Quốc lộ 62, nối liền vùng Đồng Tháp Mười và quốc gia Campuchia.
(3) Một vùng trọng điểm:
Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, sinh thái và kinh tế cửa khẩu phía Tây (Vùng Đồng Tháp Mười) liên kết giao thông tốt với 2 hành lang và trung tâm Tân An.
(4) Sáu trục động lực:
- Trục động lực vành đai 3 – vành đai 4: Kết nối Long An với quốc tế qua sân bay Long Thành và Cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Cảng Long An.
- Trục động lực quốc lộ 50B: Kết nối TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang.
- Trục động lực Quốc lộ 62 song hành: Kết nối vùng Đồng Tháp Mười với vùng kinh tế Campuchia.
- Trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa: Kết nối đô thị công nghiệp, dịch vụ khu vực Đức Hòa với cửa khẩu Mỹ Quý Tây.
- Trục động lực Quốc lộ N1: Kết nối Long An với vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.
- Trục động lực Đức Hòa: Kết nối hệ thống các khu công nghiệp, đô thị vùng công nghiệp phía Bắc.

Tại phiên họp của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, 100% thành viên đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh Long An và Báo cáo ĐMC của Quy hoạch. UBND tỉnh Long An sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia trong phạm vi của Quy hoạch, để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Tỉnh đạt chất lượng cao nhất, trên cơ sở đó gửi lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Quý khách hàng tham khảo dự án Imperia Grand Plaza Đức Hòa mặt tiền đường 3/2 lộ giới 30m – tuyến đường huyết mạch lớn nhất thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Long An đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm tại đây