Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu các bộ ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản, đặc biệt các dự án có tác động lan tỏa.
Từ khi thị trường bất động sản gặp khó khăn từ năm 2022 đến nay, Thủ tướng đã nhiều lần ra chỉ đạo gỡ khó thông qua ban hành Nghị quyết, các công điện, công văn, quyết định khác nhau, thành lập Tổ công tác chuyên biệt, do Bộ Xây dựng làm đầu mối, về vấn đề này.
Nhưng, Công điện cho biết, thị trường bất động sản vẫn gặp khó khăn, còn nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý, giao đất, định giá, thị trường vốn, các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, tiếp cận tín dụng vẫn chưa thuận lợi.


Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, từ nguy cơ bong bóng sang suy thoái, nguồn cung bị thiếu, cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp nhu cầu. Thực tế, số lượng dự án hoàn thành trong quý II chỉ bằng nửa quý I và bằng khoảng 29% so với cùng kỳ 2022.
Chưa kể nhiều dự án bị dừng, chậm triển khai do khó khăn về pháp lý, vốn. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện cũng mới giải ngân được 83 tỷ trong tổng số 1.095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0,07%.
Trước tình hình này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xem việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng.Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới.


Đáng chú ý, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với bất động sản, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; tiếp tục tìm cách giảm mặt bằng lãi suất. Cơ quan này cũng cần cắt giảm thêm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi; Có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Riêng các địa phương cũng cần thống kê, phân loại các dự án gặp vướng mắc, chủ động tìm nguyên nhân để gỡ khó. Gửi về Tổ công tác của Thủ tướng giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền và phải đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch; công khai danh mục dự án đấu thầu để doanh nghiệp tham gia.
>>> Xem thêm: Cuối năm, dòng tiền sẽ chảy vào đâu?