Hệ thống metro TP. HCM đang từng bước hoàn thiện, trong đó tuyến metro số 1 dự kiến về đích cuối năm 2023 sau nhiều lần chạy thử nghiệm, còn tuyến số 2 gấp rút giải phóng mặt bằng để sớm khởi công. Đồng thời, TP. HCM cũng đang chuẩn bị nhiều tuyến metro khác nhằm giải quyết kẹt xe và thay đổi diện mạo đô thị.
Metro số 1 đã chạy thử nghiệm
Người dân TPHCM đã được chứng kiến đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chạy thử nghiệm nhiều buổi sau nhiều năm chờ đợi. Metro số 1 khởi công năm 2012, là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TPHCM, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành đến depot Long Bình với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Đến nay, tiến độ nhà ga đạt 99,41%. UBND TP.HCM đã quyết định điều chỉnh thời gian hoàn thành vào cuối quý 4-2023 và phấn đấu đến 2.9 chạy thử toàn tuyến, chuyển sang giai đoạn khai thác thử vào tháng 12 năm nay.

Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11,3 km với tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng cũng đang trong giai đoạn cuối giải phóng mặt bằng và hoàn tất hồ sơ để sớm khởi công. Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP. HCM cho biết, trong năm nay metro số 2 sẽ khởi công di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp thoát nước, viễn thông,..) cũng như phát hành hồ sơ mời thầu. Theo dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công cuối năm 2024, đầu năm 2025 và vận hành đưa vào khai thác năm 2030.
Ngoài ra, TP. HCM cũng đang đẩy nhanh đề xuất, xây dựng thêm tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 dài 8,9km từ ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) với tổng mức đầu tư khoảng 1,66 tỷ USD. Dự án đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang trình các cơ quan có thẩm quyền để thẩm định và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuyến metro số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành – Khu Y tế Kỹ thuật cao) dài gần 10km với tổng mức đầu tư khoảng 44.886 tỷ đồng được UBND TPHCM lên kế hoạch, sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Kế hoạch – Đầu tư tham mưu Thủ tướng chấp thuận dự án. Sau đó, thành phố làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có cam kết tài trợ vốn cho dự án và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Đồng thời, TPHCM cũng đang kêu gọi đầu tư, triển khai 4 tuyến metro khác cùng 3 tuyến xe điện mặt đất và một tuyến đường sắt một ray.
Giải quyết bài toán kẹt xe của TP.HCM
TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông Đại học Việt Đức cho biết, nếu metro số 1 của TPHCM vận hành nhưng thiếu hệ thống xe buýt gom thì chỉ có thể thu hút được 68.000 hành khách/ngày. Ngược lại, nếu thành phố xây dựng hệ thống buýt gom, metro số 1 có thể đạt hơn 100.000 hành khách mỗi ngày. Giao thông công cộng phát triển, đặc biệt kết hợp với mạng lưới metro và mạng lưới xe buýt là giải pháp quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ (TS) Huỳnh Thế Du – giảng viên Trường đại học Fulbright nhận định mạng lưới đường sắt đô thị đóng vai trò chiến lược trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông, định hình sự phát triển đô thị của TPHCM. Để giải quyết bài toán kẹt xe của TPHCM phải phụ thuộc vào hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn là metro.
Mới đây, HĐND TPHCM đã thông qua dự án kết nối tuyến xe buýt với metro số 1 với tổng mức đầu tư 91 tỉ đồng. Dọc trục metro sẽ có 18 tuyến xe buýt nhỏ được mở mới, tạo thành hình xương cá đưa đón khách từ khu dân cư đến với metro số 1. Để đạt chỉ tiêu tăng tỉ lệ người dân đi lại trên xe công cộng (đến năm 2025 đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân và tăng lên 25% vào năm 2030), mỗi năm phải mở thêm tuyến xe buýt mới.

Trong năm 2023, TP. HCM sẽ mở thêm 10 tuyến, trong đó có 5 tuyến xe buýt điện, 3 tuyến buýt mini và 2 tuyến liên tỉnh. Sở GTVT TPHCM đang thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu dự án tái cấu trúc mạng lưới xe buýt ở TPHCM nhằm hướng tới việc nâng cấp hiệu quả các tuyến xe buýt hiện hữu.

TP. HCM cũng đang thực hiện thí điểm xe đạp ở khu vực quận 1 và đến nay đã có hơn 110.000 tài khoản đăng ký sử dụng và người dân có nhu cầu đi xe đạp ngày càng tăng. Qua khảo sát, người dân có mong muốn mở rộng thêm ở các quận khác như Bình Thạnh, Phú Nhuận, 3, 5, 10…Để đáp ứng nhu cầu trên, Sở GTVT sẽ có đánh giá cụ thể và có các đề xuất để mở rộng mô hình xe đạp công cộng phù hợp, hỗ trợ người dân di chuyển từ nhà đến trạm xe buýt.
>>> Xem thêm: Xây dựng 9 cầu đi bộ trên cao kết nối các nhà ga Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)