Theo ghi nhận, nhà ga trên cao tại Khu Công nghệ cao thuộc tuyến Metro số 1 TP.HCM đã được hoàn thành 99% công đoạn, dự kiến 1% khối lượng nhỏ công việc sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Nhà ga Khu Công nghệ cao là một trong 11 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1), được thiết kế theo kiểu nhà ga mở và có vị trí trước cổng Khu Công nghệ cao, đường Xa lộ Hà Nội, TP. Thủ Đức.

Đây là nhà ga mở trên cao gồm tầng trệt và 2 tầng lầu, mái che hở. Tầng 1 nhà ga rộng khoảng 1.200m2 là khu vực mở gồm sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí, phòng hướng dẫn thông tin, phòng hành chính, quầy bán đồ lưu niệm, phòng kỹ thuật…. Và tầng 2 là khu vực lên tàu di chuyển.
Mục đích công trình mở này nhằm mang lại không gian thông thoáng tự nhiên tối đa, tầm nhìn rộng từ nhà ga ra các khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, nhà ga Khu Công nghệ cao được thiết kế giản đơn và hiện đại với kết cấu bê tông cốt thép mang đến hiệu quả cao.

Ngoài ra, nhà ga Khu Công nghệ cao cũng xây dựng khu vực để xe tương đối rộng với khoảng 1.000m2, dành cho khách để ô tô và xe máy.
Theo thông tin ghi nhận từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, tiến độ nhà ga đã đạt được 99%, dự kiến 1% khối lượng nhỏ công việc sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Cũng theo MAUR hiện nay, nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện cơ bản các nhà ga đoạn từ Depot (Long Bình) đến ga Bình Thái (ngã tư Bình Thái). Các ga này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2022 theo như biên bản ghi nhớ thi đua 90 ngày đẩy nhanh tiến độ thi công của các nhà thầu với chủ đầu tư.
Trong khi đó, các nhà ga còn lại từ ga Phước Long trở đến ga Văn Thánh dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.

Hiện toàn tuyến Metro số 1 đã đạt tiến độ được 92,95%, dự kiến đưa vào khai thác hoạt động vào cuối năm 2023.
Lối lên cầu thang từ tầng trệt lên tầng 1. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật tại tầng 1 cũng đã hoàn thành lắp đặt, chờ ngày vận hành






***Xem thêm: TP.HCM: Sở Giao thông vận tải đề xuất bổ sung gần 72.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho hạ tầng giao thông